Bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa

Bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa

Triệu chứng của bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa thường dai dẳng kéo dài và dễ tái phát, mặc dù không gây ngứa nhưng ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Điều trị bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa hiện nay chỉ dừng lại ở việc điều trị hỗ trợ giảm nhẹ triệu chứng, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh nhưng không thể chữa khỏi hoàn toàn.

1. Bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa là gì?

Bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa (tên tiếng anh là Discoid Lupus Erythematosus) là một thể phổ biến của bệnh lupus ban đỏ da, chiếm khoảng hơn 50% tổng số các trường hợp. Bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa hoàn toàn có khả năng tiến triển sang bệnh lupus ban đỏ hệ thống, ảnh hưởng lên nhiều cơ quan khác ngoài da như thận, cơ xương khớp, tim mạch, thần kinh, tuy nhiên tỷ lệ này không cao, trung bình chỉ khoảng 5% trường hợp. Đây là một bệnh lý miễn dịch, tương đối lành tính, nguyên nhân chính xác gây bệnh hiện chưa được hiểu rõ.

Bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa thường gặp hơn ở phụ nữ, tần suất mắc bệnh trong cộng đồng ở nữ giới gấp ba lần nam giới. Đây là bệnh lý tự miễn nên có nhiều mối liên quan với các yếu tố di truyền hay yếu tố cơ địa. Bệnh diễn tiến nặng nề hơn nếu các tổn thương trên da tiếp xúc nhiều với tia tử ngoại trong ánh sáng mặt trời hoặc môi trường sống nhiễm bẩn, mất cân bằng trong hoạt động của các hệ nội tiết trong cơ thể.


Giới tính nam nữ
Bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa thường gặp hơn ở phụ nữ

2. Nguyên nhân gây bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa

Bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa được phân loại vào nhóm bệnh tự miễn, với nguyên nhân chính xác gây bệnh chưa thực sự được hiểu rõ. Giả thuyết được nhiều chuyên gia đồng tình nhất là sự xuất hiện của các tự kháng thể chống lại các kháng nguyên là các mô da bình thường khỏe mạnh của cơ thể. Những bệnh nhân mắc bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa thường có yếu tố cơ địa bất thường sẵn có, khi gặp các điều kiện bất lợi từ môi trường bên ngoài hoặc một số yếu tố bên trong cơ thể sẽ khởi phát và biểu hiện bệnh. Một số các yếu tố khởi phát bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa thường gặp bao gồm:

  • Tiếp xúc với tia tử ngoại trong ánh nắng mặt trời
  • Môi trường sống ô nhiễm
  • Suy kiệt, suy giảm hệ miễn dịch
  • Căng thẳng tâm lý
  • Rối loạn hoạt động của hệ nội tiết trong cơ thể

Các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa là:

  • Chủng tộc: người Mỹ gốc Phi
  • Tuổi từ 25 đến 50
  • Giới tính nữ
  • Có người thân trong gia đình mắc bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa, bệnh lupus toàn thân hoặc bất kỳ bệnh lý tự miễn nào khác.

Giới tính nữ
Bệnh nhân nữ mắc lupus ban đỏ dạng đĩa

3. Triệu chứng lâm sàng của bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa

Bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa biểu hiện trên lâm sàng chủ yếu bằng các triệu chứng bất thường trên da. Người mắc bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa thường nổi ban đỏ, bị teo da và có các mảng dày sừng ở một vài vị trí. Dấu hiệu đầu tiên phổ biến nhất là các mảng đỏ hoặc sẩn đỏ hoặc hồng nhạt hình tròn đặc trưng nổi gồ trên bề mặt da, đi kèm với các vảy da. Vảy da ban đầu có thể ở dạng khô, đơn giản, về sau trở nên dày hơn, có dầu, dính xuất hiện ở viền của ban đỏ và sắc tố da thay đổi. Các vùng da bị ảnh hưởng sẽ teo mỏng theo thời gian, dẫn đến sự hình thành của các sẹo teo. Sẹo teo là những điểm nhỏ hoặc tập trung thành đám lõm, có ranh giới rõ, có dạng nhiều vết lằn màu trắng, bên trên có hình ảnh giãn các mạch máu nhỏ lăn tăn, khi chạm vào có cảm giác hơi đau. Vị trí thường thấy xuất hiện các sẹo teo trong bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa bao gồm: sống mũi, hai má và vùng da mặt trước tai hai bên tạo thành hình cánh bướm, vùng da đầu tương ứng các chân tóc. Móng tay của những bệnh nhân lupus ban đỏ dạng đĩa dễ gãy, cong hoặc biến dạng do giòn hơn so với người bình thường. Các thương tổn của bệnh không gây ngứa nên hiếm khi có biến chứng nhiễm trùng da nhưng thường xuất hiện dai dẳng và dễ tái phát.


lupus ban đỏ dạng đĩa
Bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa vùng sống mũi và hai má

Ở bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa, những vùng da không được che chắn, phơi nhiễm nhiều với tia tử ngoại trong ánh sáng mặt trời như mặt, cổ, hai bàn tay, hai bàn chân, … là những vùng có nguy cơ bị tổn thương cao nhất, mặc dù các tổn thương có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Da đầu ngoài việc xuất hiện các ban đỏ kèm vảy trắng và sẹo teo còn còn biểu hiện rụng tóc vĩnh viễn không để lại sẹo.

Bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa diến tiến thành những đợt cấp khi tiếp xúc với các yếu tố gây khởi phát và được kiểm soát tốt với các phương pháp điều trị hiện nay.

Mặc dù hình ảnh bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa khá đặc trưng trên lâm sàng, muốn thiết lập chẩn đoán xác định cho một ca bệnh cần có các phương tiện cận lâm sàng. Bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm máu để đo nồng độ kháng thể IgE hoặc phát hiện các kháng nguyên kháng thể đặc hiệu của bệnh trong máu, và sinh thiết da quan sát đặc điểm mô học vùng da cần khảo sát với những tổn thương đặc trưng cùng với sự xuất hiện của kháng thể IgE.

4. Điều trị bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa

Điều trị bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa đang còn gặp nhiều thách thức vì hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu giúp người bệnh khỏe mạnh hoàn toàn. Mục tiêu điều trị chính hiện nay bao gồm: giới hạn những tổn thương cũ không lan rộng hơn, hạn chế việc hình thành sẹo, và dự phòng giảm khả năng xuất hiện những tổn thương mới. Một số nhóm thuốc thường được chỉ định trong điều trị bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa bao gồm:

  • Corticoid: Các thuốc thuộc nhóm này có tác dụng chống viêm, giới hạn các vùng tổn thương. Tác dụng phụ thường gặp là mỏng da, dày sừng vùng nang lông. Thuốc nhóm corticoid có thể được sử dụng dưới dạng thuốc bôi tại chỗ hoặc thuốc tiêm.
  • Thuốc ức chế calcineurin: Nhóm thuốc này thường được dùng dưới dạng thuốc mỡ bôi tại chỗ giúp ức chế hệ miễn dịch tại chỗ nên hạn chế được các vùng tổn thương da lan rộng. Tác dụng phụ đáng nói của thuốc ức chế calcineurin là tăng nguy cơ mắc ung thư da nếu dùng trong thời gian kéo dài.
  • Một số nhóm thuốc khác: Ở một số bệnh nhân không đáp ứng hoặc đáp ứng kém với các nhóm thuốc kể trên, một số loại thuốc khác có tác dụng mạnh hơn có thể được chỉ định như chloroquine, methotrexate, mycophenolate, …

Các thuốc điều trị được liệt kê ở trên đều thuộc nhóm thuốc cần được kê toa và sử dụng dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân không được tự ý điều trị để tránh các biến chứng không đáng có.


Thuốc bôi
Điều trị bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa bằng thuốc

5. Dự phòng bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa tái phát

Bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa muốn được kiểm soát tốt, ngoài việc sử dụng thuốc còn cần có sự thay đổi trong các thói quen sinh hoạt khác một cách đồng thời. Một số biện pháp được chứng minh có hiệu quả kiểm soát triệu chứng và hạn chế bệnh tái phát bao gồm:

  • Che chắn các vùng da tổn thương bằng áo khoác, dù
  • Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời
  • Sử dụng kem chống nắng để tránh các tác động của tia cực tím
  • Không sử dụng thuốc lá hoặc rượu bia
  • Sử dụng các loại kem dưỡng ẩm da nhẹ dịu ít kích ứng có thể hỗ trợ hệ miễn dịch của da
  • Hạn chế tối đa việc sử dụng các loại mỹ phẩm
  • Nếu gặp phải tình trạng bệnh lý cần điều trị với thuốc, người mắc bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa nên tham khảo ý kiến của bác sĩ vì một số loại thuốc có thể làm tăng tính nhạy cảm của da trước những yếu tố khởi phát bệnh.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Suckhoe248 trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY

XEM THÊM:

Close
Social profiles